7 ví dụ chứng minh Apple cũng đang là một tay chơi tầm cỡ trong lĩnh vực AI
Apple thì hiện không được đánh giá cao trong lĩnh vực này vì trợ lý ảo Siri của họ là một chatbot rất kém cỏi, lỗi thời và không tích hợp khả năng trò chuyện. Tuy nhiên nhà sản xuất iPhone thực sự đã triển khai rất nhiều tính năng tiện dụng, được hỗ trợ bởi AI trên các sản phẩm của mình mà có thể chúng ta không nhận ra. Họ làm điều đó theo một cách hơi thầm lặng và tích hợp nhẹ nhàng vào quy trình sử dụng của người dùng. Sau đây là 7 ví dụ cho thấy những nỗ lực của Apple trong lĩnh vực AI:
App Photos
Mặc dù xét ra thì vẫn tương đối đơn giản nếu so với giải pháp của Google tuy nhiên app Photos trên iOS 16, iPadOS 16 và macOS Ventura hiện vẫn đang cung cấp nhiều tính năng được hỗ trợ bởi AI. Một ví dụ điển hình là tính năng tách chủ thể trong bất kỳ tấm ảnh nào mà không cần xử lý thông qua máy chủ trực tuyến. Ngoài ra nó có thể hoạt động ngay lập tức mà không cần chờ ảnh được lập chỉ mục.
Một tính năng AI khác trong app Photos là tab For You. Nếu bạn đang xem những bức ảnh cũ cách đây nhiều tháng hoặc nhiều năm thì tab này sẽ hiển thị nhiều bức ảnh hơn từ những ký ức hoặc sự kiện đó vì AI cho rằng bạn có thể đang hồi tưởng về nó. Thêm vào đó, tab For You này cũng tập trung vào người và vật nuôi trong ảnh đồng thời ẩn các phần không cần thiết khác của ảnh.
Live Text – Văn bản trực tiếp
Live Text là một tính năng AI ấn tượng khác, cho phép xác định ngay lập tức sau đó dịch, chuyển đổi hoặc sao chép văn bản trên hình ảnh hoặc video. Tính năng này cũng hoạt động hoàn toàn offline và tự nhiên, cho phép bạn dễ dàng sử dụng thiết bị của mình để nhận diện kí tự quang học OCR.
Việc nhận diện không chỉ giới hạn ở văn bản mà OS cũng có khả năng phát hiện các yếu tố đồ hoạ khác. Người dùng cũng có thể xác định giống vật nuôi, loài thực vật, album ảnh, bìa sách và các địa danh trong ảnh của họ.
Siri Shortcuts – Phím tắt Siri
Siri Shortcuts là một ví dụ nổi bật cho thấy cách Apple triển khai một tính năng AI quan trọng là như thế nào. Tính năng này hoạt động bằng cách đưa ra các đề xuất dựa trên vị trí, mức độ sử dụng app, thói quen, thời gian trong ngày của người dùng… Ví dụ iOS biết về thói quen đi lại của bạn và sẽ hiển thị playlist mà bạn thường nghe khi đang di chuyển vào một thời điểm nhất định trong ngày.
Tương tự nếu bạn có một chuyến bay sắp tới trong app Calendar thì số chuyến bay và các thông tin cập nhật của chuyến bay đó sẽ hiển thị trong Spotlight Search. Ngoài ra Apple Wallet cũng có thể hiển thị thẻ lên máy bay của bạn khi đến thời điểm. Đó là chưa kể đến việc app Maps có thể gợi ý chỉ đường đến đúng sân bay và app Weather có thể hiển thị dự báo về thời tiết ở điểm đến.
Siri Shortcuts cũng có thể xuất hiện trong Notification Center, Spotlight Search, widget Siri Shortcuts và các vị trí khác. Sau khi sử dụng thiết bị đủ lâu thì bạn sẽ nhận thấy hệ thống sẽ đề xuất tất cả các hành động và thông tin hữu ích khác nhau dựa trên thói quen thông thường của bạn.
Offine Dictation – Chuyển giọng nói thành văn bản
Offline Dictation là một tính năng mạnh mẽ khác dựa trên AI. Người dùng có thể nói, thay vì gõ và thiết bị sẽ chuyển lời nói thành văn bản. Điều tuyệt vời là tính năng này hoạt động hoàn toàn offline, giúp giảm thiểu thời gian xử lý cần thiết cho những người có kết nối mạng không quá nhanh. Tuy kết quả vẫn có thể chính xác hơn có nếu kết nối internet, tuy nhiên điều kiện này không bắt buộc.
Optimized Battery Charging – Sạc pin tối ưu hoá
Khi OS học hỏi được thói quen sạc của người dùng thì các thiết bị này sẽ ngừng sạc khi đạt mức 80% và sẽ canh để chỉ sạc đến mức 100% ngay trước thời điểm bạn rút sạc. Bằng cách này thì máy không bị sạc nhồi trong thời gian dài, góp phần làm tăng tuổi thọ của pin lithium-ion.
Các tính năng sức khoẻ và an toàn
Apple cũng dựa vào AI để phát triển các tính năng an toàn và sức khoẻ. Ví dụ Apple Watch có thể theo dõi nhịp tim và các yếu tố khác để phát hiện sớm các vấn đề tim mạch tiểm ẩn.
Ngoài ra, các tính năng như Crash Detection cũng dựa trên một số cảm biến, micro và chuyển động của thiết bị để phát hiện chính xác thời điểm bạn đang ở trong một phương tiện đang di chuyển và phương tiện đó đang gặp sự cố. Apple đã phải dựa vào một lượng đáng kể dữ liệu và số liệu thống kê thực tế để “dạy” cho các thiết bị của mình cách phát hiện những sự cố này một cách chính xác.
Personal Voice (sắp ra mắt)
Tính năng này chưa khả dụng trên iOS nhưng có nhiều tiềm năng trở thành một trong những tính năng AI đáng chú ý nhất mà Apple từng ra mắt. Personal Voice, dự kiến ra mắt cuối năm nay kèm với iOS 17, có thể tái tạo giọng nói của người dùng sau một quá trình huấn luyện khoảng 15 phút. Điều này có nghĩa là bạn sẽ có thể để iPhone sao chép giọng nói của mình sau đó đọc văn bảng bằng đúng giọng đó cho bạn.
Apple thường không phát hành các tính năng liên quan đến việc giả mạo thứ gì đó, chẳng hạn như Magic Eraser của Google. Tuy nhiên Personal Voice có thể là một tính năng thực sự cho thấy sức mạnh đáng kinh ngạc của AI đối với người dùng Apple.
→ Xem thêm: Apple sẽ đơn giản hoá và cập nhật 1 loạt các tính năng hỗ trợ người khuyết tật trong thời gian tới
Siri sẽ tiếp bước?
Apple gần đây đã tuyển dụng nhiều vị trí hơn xung quanh lĩnh vực generative AI, điều này gợi ý rằng công ty có thể đang cố gắng để cải thiện khả năng của Siri. Xét cho cùng trợ lý ảo của Apple hiện chỉ là chiếu dưới khi so sánh với những trợ lý ảo phổ biến khác như Google Assistant và Amazon Alexa.
Cùng với việc Google hiện đang phát triển Bard còn Microsoft cũng đang tập trung vào Bing Chat, mọi thứ đều cho thấy Apple nên cố gắng bắt kịp các đối thủ của mình trước khi khoảng cách ngày càng rộng hơn. Tuy nhiên khi nào và liệu Siri có thể trở thành một chatbot xứng tầm với những cái tên kể trên hay không thì vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp?
XDA