• Trang chủ
  • Tin tức
  • Báo cáo tài chính TSMC: “Hãy cẩn thận ‘cơn điên ngắn hạn’ của nhu cầu chip xử lý AI”

Báo cáo tài chính TSMC: “Hãy cẩn thận ‘cơn điên ngắn hạn’ của nhu cầu chip xử lý AI”

Đó là tuyên bố của chủ tịch TSMC, tiến sĩ Mark Liu, khi TSMC công bố doanh thu quý II năm 2023 vừa rồi. Bên cạnh việc công bố doanh thu từ tháng 4 đến tháng 6/2023, TSMC cũng công bố thông tin sẽ hoãn mở cửa vận hành fab gia công bán dẫn đang xây dựng tại bang Arizona, Mỹ sang đầu năm 2025, vì thiếu trầm trọng nhân sự có tay nghề phục vụ lắp đặt vận hành những hệ thống quang khắc thạch bản phức tạp, phục vụ tiến trình N4.

TSMC: Chưa tuyển dụng đủ nhân sự cho fab bán dẫn ở Arizona, 2025 mới mở cửa vận hành

Đáng lẽ, fab gia công bán dẫn của TSMC tại bang Arizona, Mỹ sẽ mở cửa vận hành vào năm 2024. Tuy nhiên tuyên bố mới nhất của TSMC là phải tới năm 2025, những con chip 4nm “made in US” của TSMC mới chính thức xuất xưởng.
tinhte.vn

Tăng trưởng không như kỳ vọng


Những chi tiết đáng chú ý khi TSMC công bố báo cáo tài chính quý II có liên quan tới kỳ vọng của tập đoàn về kết quả kinh doanh năm nay, cũng như khả năng tăng trưởng dài hạn.

CEO TSMC, tiến sĩ C. C. Wei thừa nhận, đơn vị gia công bán dẫn lớn nhất thế giới đã đánh giá thấp tình trạng tụt dốc của nền kinh tế toàn cầu, dẫn tới nhu cầu chip bán dẫn trang bị trong các thiết bị công nghệ, từ tiêu dùng đến doanh nghiệp đều có xu hướng chung là giảm mạnh. CEO TSMC đưa ra dự đoán, rằng vì lý do trực tiếp kể trên, tổng giá trị ngành chip bán dẫn toàn cầu trong năm nay sẽ giảm khoảng 10%.

Tinhte-TSMC4.jpg

Quan trọng nhất, nhu cầu và cơn sốt chip xử lý AI đắt tiền và hiệu năng cực cao sẽ là không đủ để vực dậy cả ngành, khi hầu hết tất cả các mảng khác đều ghi nhận sụt giảm về nhu cầu.

Tuyên bố của CEO TSMC được chứng minh bằng những con số kết quả kinh doanh quý II năm 2023. Sáu mảng chip bán dẫn chủ đạo được TSMC liệt kê, và mô tả rõ ràng chênh lệch doanh thu của từng mảng so với quý I năm nay: HPC (máy tính hiệu năng cao), smartphone, thiết bị IoT, chip cho xe hơi, DCE (thiết bị điện tử tiêu dùng) và những dạng chip xử lý khác. Trong số cả 6 mảng ấy, tăng trưởng mạnh nhất là mảng thiết bị điện tử tiêu dùng và chip cho xe hơi, lần lượt tăng 25 và 3%. Nhưng cả hai mảng này chỉ chiếm có 11% tổng doanh thu của TSMC trong quý II. Còn lớn nhất vẫn là mảng linh kiện máy tính, từ máy tính cá nhân đến máy chủ doanh nghiệp:

View attachment 6032377

Khó khăn về doanh thu đến với TSMC đúng vào thời điểm tập đoàn này đang đối mặt với chi phí khấu hao tài sản rất cao khi họ bắt đầu đi vào quá trình thương mại hóa tiến trình chip N3 kể từ cuối năm ngoái. Khoảng hai năm đầu tiên kể từ thời điểm một tiến trình mới được đưa vào sản xuất thương mại hóa số lượng lớn, tất cả mọi fab bán dẫn đều sẽ ghi nhận khoản chi phí khổng lồ, bao gồm chi phí lắp đặt trang thiết bị phục vụ sản xuất.

Tuy nhiên, CEO C.C. Wei vẫn bày tỏ sự lạc quan rằng những doanh nghiệp trong ngành chip không có fab (Apple, Nvidia, AMD…) sẽ kết thúc tháng 12/2023 ở vị thế ổn hơn, tồn kho ít hơn so với những gì TSMC đã từng dự đoán vào thời điểm quý I năm nay. Thêm nữa, TSMC cũng dự đoán cả ngành bán dẫn toàn cầu sẽ có tỷ lệ sụt giảm doanh thu ở ngưỡng khoảng 15%, trong khi TSMC giảm doanh thu ở tốc độ chậm hơn, cỡ 10% trong năm nay.

Tinhte-TSMC2.png

Nói thêm về tình trạng của fab TSMC gia công chip N4 tại Arizona, Mỹ, CEO TSMC cho biết thêm, chi phí xây dựng fab ở Arizona cao hơn 50% so với những địa điểm khác, “tuy nhiên chúng tôi vẫn đang cố gắng làm việc với chính quyền Mỹ. Đầu tiên, những khoản viện trợ như hoàn thuế hay viện trợ tiền mặt, và hoàn thuế đầu tư là đủ để bù cho khoản chênh lệch trong chi phí xây dựng fab trong vòng 5 năm đầu tiên. Khi các thiết bị bắt đầu khấu hao, thì hệ sinh thái đã bắt đầu vận hành ổn.”

Quý III năm nay, TSMC dự báo doanh thu sẽ tiếp tục sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo của họ đưa ra doanh thu ở trong khoảng 16.7 đến 17.5 tỷ USD. Con số này nếu so sánh với doanh thu 20.23 tỷ USD quý III năm 2022, sẽ sụt giảm khoảng 3.5 tỷ USD.

Cơn sốt chip AI thực chất chỉ là ngắn hạn?


Về phần chủ tịch Mark Liu, vị này đưa ra những cảnh báo về những xu hướng ngắn hạn, cụ thể hơn là nhu cầu chip xử lý AI đang tạo ra cơn sốt trên toàn thế giới. Tiến sĩ Wei cho biết thêm, đã bắt đầu có chip xử lý AI được sản xuất trên tiến trình N3. Tổng cộng, chip xử lý nghiên cứu AI chiếm khoảng 6% tổng doanh thu quý II của TSMC.

Trong vòng 5 năm tới, CEO của TSMC đưa ra dự đoán rằng mọi chip xử lý liên quan tới nhu cầu vận hành và nghiên cứu AI, từ CPU, GPU đến chip tăng tốc, tổng hợp lại sẽ có tốc độ tăng trưởng 50%, đem về tỷ trọng doanh thu dưới 15% cho TSMC.

Tinhte-TSMC3.jpg

Khi được hỏi về tình hình nhu cầu chip xử lý AI, và khả năng thay thế của chip AI thay vì nhu cầu chip xử lý máy chủ và trung tâm dữ liệu nói chung, tiến sĩ Liu cho rằng:

“Đương nhiên chúng tôi có mô hình dự đoán xu hướng ấy. Cơn điên ngắn hạn về công nghệ và nhu cầu chip xử lý AI không thể suy ra dài hạn được. Và đương nhiên chúng tôi cũng không thể dự đoán tương lai gần, chẳng hạn ngay trong năm sau, liệu nhu cầu chip AI có tăng đột biến hay sẽ trở nên chững lại.

Tuy nhiên mô hình của chúng tôi dựa trên kết cấu của những trung tâm dữ liệu. Chúng tôi đưa ra con số ước tính bao nhiêu phần trăm tổng số chip xử lý data center bán ra thị trường là để phục vụ xử lý AI. Rồi dựa vào đó chúng tôi sẽ tính toán nhu cầu chip AI toàn cầu. Mô hình này thực tế vẫn thiếu những dữ liệu thực tế của thời điểm hiện tại. Nhưng nhìn chung, tôi nghĩ chip AI chiếm tỷ trọng cao sẽ là điều dễ hiểu.

Và liệu tỷ trọng ấy có ảnh hưởng tới thị phần chip xử lý phổ quát cho data center hay không? Ở tầm ngắn hạn, khi chi phí đầu tư của các nhà cung cấp dịch vụ đám mây là cố định, câu trả lời là có. Nhưng xét đến dài hạn, khi những dịch vụ dữ liệu AI tạo nội dung có thể đem doanh thu về cho các tập đoàn, chắc chắn họ sẽ tăng chi phí đầu tư. Quá trình đó sẽ trùng khớp với nhu cầu chip xử lý AI về lâu về dài.”

Tổng hợp