• Trang chủ
  • Tin tức
  • Intel Meteor Lake – CPU di động với tên gọi Core Ultra 5 | 7 | 9 mới

Intel Meteor Lake – CPU di động với tên gọi Core Ultra 5 | 7 | 9 mới

Vừa qua, Intel đã chính thức giới thiệu dòng vi xử lý Meteor Lake đến với người dùng toàn cầu, áp dụng kiến trúc vi xử lý cũng như công nghệ bán dẫn mới nhất của hãng. Intel cũng đổi cách đặt tên CPU bằng cách thay chữ “i” sau cái tên “Core” thành “Ultra”, đồng thời rút gọn bớt số model còn 3 con số cho trực quan hơn với người dùng. Đáng chú ý cách gọi “Core thế hệ xxx” cũng không còn được áp dụng từ loạt sản phẩm này nữa.

Kiến trúc Meteor Lake – Cuộc cách mạng chip lớn nhất 40 năm qua của Intel

2024 hứa hẹn sẽ là một năm có nhiều cuộc cạnh tranh dữ dội trong mảng chip máy tính. Cụ thể nhất sẽ là kiến trúc Zen 5 của AMD và Meteor Lake từ Intel. Có thể nói cuộc sống ngày nay của chúng ta đã thay đổi rất nhiều so với vài chục năm trước…
tinhte.vn

Như chính Intel mô tả, MTL là cuộc cách mạng chip lớn nhất trong 40 năm qua của hãng. Đây là sản phẩm đầu tiên hãng này áp dụng triết lý chiplet tương tự như AMD. Nhưng không chỉ thế, Intel đặt trọng tâm con chip nằm trong die SoC, thay vì die CPU (hoặc compute) như các thế hệ trước. Sự thay đổi về mặt cơ bản này cho thấy nhân CPU không còn giữ vị trí “tối thượng” trong tư tưởng thiết kế chip của Intel nữa. Giờ đây, nhân CPU cũng chỉ là một phần trong tổng thể toàn bộ chip, tương tự như GPU hay NPU hây bất kỳ thành phần nào khác.

Intel-Core-Ultra-3.jpg

Lại nói chuyện CPU, cấu trúc các nhân xử lý này trên MTL có thêm “chút” phức tạp. Nếu từ Alder Lake, chúng ta có thêm khái niệm E-core (nhân tiết kiệm điện) bên cạnh P-core (nhân hiệu suất cao), thì giờ đây Intel có thêm khái niệm “đảo” E-core (Low Power Island). Phần “LP E” này nằm trên die SoC chứ không phải die CPU. Mục đích là die SoC sẽ luôn hoạt động (nhưng tiết kiệm điện) còn các die CPU hay GPU hoạt động hay không tuỳ cường độ của công việc. Chỉ khi nào yêu cầu công việc tăng cao thì die CPU mới được kích hoạt rồi từ đó E-core hay P-core mới được “gọi” làm việc. Trong một cấu hình chip MTL đầy đủ, ta sẽ có 2 nhân LP E, 8 nhân E “thực” và 6 nhân P (hỗ trợ SMT), có thể xử lý tới 22 luồng công việc.

Intel MTL 03.jpg

Thành phần quan trọng kế đến là GPU. Intel tự hào “khoe” nhân đồ hoạ tích hợp (IGP) trên MTL có đẳng cấp ngang với card đồ hoạ rời Intel Arc. Cụ thể trên bản MTL đầy đủ sẽ có tới 8 nhân đồ hoạ Xe LPG, có năng lực hỗ trợ DirectX 12 kèm theo cả ray tracing lẫn mesh shading. Bản thân IGP này cũng hỗ trợ decode hầu hết các chuẩn media phổ thông nhw AV1, H.265, H.264, VP9 tới tận độ phân giản 8K 10-bit HDR. Nó cũng cho phép hiển thị ra tới 4 màn hình, hỗ trợ cả giao tiếp HDMI 2.1, Display Port 2.1 và eDP 1.4b. Ngoài ra nhân Intel Arc này còn có thêm engine DP4A hỗ trợ xử lý các toán tử INT8, vốn dành riêng cho AI.

Một chi tiết thú vị là Intel “tự tin” nhân đồ hoạ MTL cho hiệu năng tốt hơn IGP của chip Ryzen 7840U bên AMD, khi cùng hoạt động ở mức công suất 28 W. Tất nhiên đây chỉ là quảng cáo của chính hãng, chúng ta sẽ cần những bài đánh giá độc lập để kiểm chứng lại các thông tin này.

Intel MTL 06.jpg

Sẽ là thiếu xót trên MTL nếu không nhắc tới AI. Đây là dòng sản phẩm cá nhân đầu tiên được Intel trang bị các nhân NPU đặc biệt dành riêng cho xử lý AI (trước đó có Sapphire Rapids nhưng là sản phẩm cho server). Nhưng điểm nhấn ở đây là năng lực AI của MLT không chỉ đến từ NPU mà còn từ cả CPU lẫn GPU. Do đó MTL có thể chạy được hầu hết mọi tác vụ AI do khả năng hỗ trợ đa nền tảng framework (OpenVINO). Người dùng có thể khai thác được tối đa số lượng ứng dụng AI đang có trên thị trường từ MTL hơn từ các con chip khác. Trên thực tế, buổi ra mắt lần này được Intel tự hào gọi tên “AI ở nơi nơi” (AI Everywhere).

Nhưng MTL mạnh tới đâu? Đây là một vấn đề tương đối khó trả lời vì lần ra mắt này chỉ áp dụng cho laptop. Bản thân những chiếc laptop lại có đặc trưng bị giới hạn về nguồn điện và tản nhiệt (TDP), do đó hiệu năng thực tế của những con chip di động này sẽ lệ thuộc vào mức TDP mà hãng sản xuất laptop áp dụng. Theo thông số của Intel, những con chip Ultra dòng H sẽ có TDP thấp nhất là 28 W, các mức turbo cao hơn sẽ là 65 W và 115 W; còn chip Ultra dòng U có TDP thấp nhất 15 W, mức turbo là 57 W. Như vậy khi xem các bài đánh giá về MTL, anh em cần chú ý cấu hình TDP của chiếc laptop đó đang ở mức nào.

Intel-Core-Ultra-1.jpg

Với những thông tin tương đối ấn tượng và khả quan trên, lần công bố sản phẩm này của Intel dường như chỉ là “trên giấy” (paper launch). Vì Intel không gửi mẫu sản phẩm nào cho các trang công nghệ đánh giá (thực sự nếu có thì rất hiếm hoi). Đặc biệt ngay trong phần danh sách sản phẩm, Intel còn cho biết có tới 3/11 model phải sang tận Q1 2024 mới ra mắt. Như vậy nếu thực sự quan tâm tới MTL thì ít nhất phải tới sự kiện CES 2024 diễn ra vào đầu năm sau tại Las Vegas, thì anh em mới có cơ hội chạm tay tới những sản phẩm này.

Intel MTL 10.jpg

Nhắc tới danh sách sản phẩm và tên gọi, như đã nói ở trên, Intel đã bỏ cách gọi cũ. Tuy vậy hãng chưa có hướng dẫn cụ thể nào về cách đặt tên mới. Chúng ta chỉ biết các con chip MTL sẽ có tên gọi Core Ultra 5, 7 hoặc 9 với 3 chữ số model ở phía sau. Các sản phẩm được chia ra chủ yếu theo 2 dòng H (hiệu suất cao) hoặc U (siêu mỏng). Trong đó mọi model đều có 8 nhân E “thực” và 2 nhân LP E, các khác biệt còn lại đến từ số nhân P, số nhân Xe LPG, dung lượng cache và xung nhịp của từng thành phần. Đặc biệt các con chip dòng U sẽ chỉ có tối đa 2 nhân P, cho thấy hiệu năng sẽ cực kỳ thấp.

Hiện tại, Intel chưa công bố gì về giá thành sản phẩm, có lẽ phải tới CES 2024 này, những khúc mắc về MTL mới được giải toả tiếp. Khi đó, nó có thực sự mạnh mẽ hoặc “đáng tiền” không thì lúc đấy chúng ta mới có được câu trả lời.