• Trang chủ
  • Tin tức
  • Mỹ cân nhắc tách rời ba mảng của tập đoàn Alphabet: Google, Android và Chrome

Mỹ cân nhắc tách rời ba mảng của tập đoàn Alphabet: Google, Android và Chrome

Nguồn tin của Bloomberg cho biết, các nhà quản lý Mỹ đang nghĩ tới một nước đi chưa từng có trong lịch sử chống độc quyền của đất nước này, xét riêng tới ngành công nghệ. Xưa kia, Bell System hồi năm 1982 bị phá vỡ thế độc quyền ngành viễn thông ở Mỹ, bằng cách chia tách tập đoàn này thành nhiều công ty độc lập.

Đến năm 2024, các quan chức Mỹ đang muốn làm điều tương tự với tập đoàn Alphabet, chia tách ba mảng kinh doanh ra khỏi tập đoàn mẹ: Công cụ tìm kiếm trực tuyến Google, trình duyệt Chrome, và hệ điều hành di động Android.

Nếu được công bố chính thức, đây sẽ là lần đầu tiên chính quyền Mỹ tìm cách phá vỡ thế độc quyền của một tập đoàn công nghệ khổng lồ, vận hành theo cách mà theo họ là trái pháp luật để kìm hãm những đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn. Trước đó hơn hai chục năm, phía cơ quan quản lý Mỹ cũng đã thất bại trong việc tách riêng mảng Windows ra khỏi tập đoàn Microsoft trong vụ kiện chống độc quyền diễn ra vào những năm 2000.

Cũng có một lựa chọn khác, bớt mạnh tay hơn mà các nhà quản lý Mỹ đang cân nhắc áp dụng với Alphabet, sau khi tòa án đưa ra phán quyết rằng Alphabet đã có hành vi cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm đạo luật chống độc quyền Sherman của Mỹ. Đó là tập đoàn này sẽ phải giao thêm dữ liệu tìm kiếm trực tuyến của hàng tỷ người dùng trên toàn thế giới, để tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng hơn, đặc biệt là đối với những đơn vị đang nghiên cứu phát triển sản phẩm AI.

Không còn chuyện trả Apple 20 tỷ Đô mỗi năm

Cho dù lựa chọn là gì đi chăng nữa, chính quyền Mỹ chắc chắn sẽ yêu cầu Alphabet ngừng thực hiện những thỏa thuận và giao kèo với các nhà sản xuất smartphone, chủ sở hữu những nền tảng số hay đơn vị phát triển những trình duyệt phổ biến trên thế giới. Chính bản thân những thỏa thuận này là trung tâm của vụ kiện giữa bộ tư pháp Mỹ và Alphabet.

Nếu bộ tư pháp Mỹ đẩy mạnh kế hoạch chia tách Alphabet, khả năng cao nhất là Alphabet sẽ phải thoái vốn cả ba mảng tìm kiếm trực tuyến, hệ điều hành di động và trình duyệt. Cùng lúc, các quan chức quản lý thị trường Mỹ cũng đang cân nhắc việc ép Alphabet thoái vốn mảng AdWords, quảng cáo trực tuyến trên kết quả tìm kiếm Google.

SAEHXMC44BKBJPJMCUWNC7RZ5A.jpg

Sau khi ngài thẩm phán Amit Mehta đưa ra phán quyết vào ngày 5/8, những thảo luận trong nội bộ của bộ tư pháp Mỹ đang càng lúc càng nhiều. Google nói chắc chắn họ sẽ kháng cáo, nhưng ông Mehta yêu cầu cả hai bên lên dần kế hoạch cho phiên xử phúc thẩm cũng như giai đoạn 2 của vụ kiện này. Ở giai đoạn 2, chính phủ Mỹ sẽ đưa ra đề xuất hướng xử lý Alphabet để đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng.

Kế hoạch này sẽ phải được thẩm phán Mehta đồng ý, rồi vị thẩm phán tòa án liên bang sẽ ra lệnh cho Google tuân thủ.

Nếu kế hoạch chia tách Alphabet, ép họ thoái vốn Google, Android và Chrome được đưa ra và được phê chuẩn, đây sẽ là một sự kiện gần như chưa từng có, kể từ khi AT&T bị chia tách hồi thập niên 1980.

google-apps-6c-15808932412541587435426.webp

Các luật sư đại diện cho bộ tư pháp Mỹ, những người đang làm việc với những công ty bị ảnh hưởng bởi hành vi cạnh tranh không công bằng của Google, đã đưa ra những lo ngại trong những cuộc thảo luận. Theo họ, vị thế độc quyền trong ngành tìm kiếm trực tuyến đã tạo ra cho Alphabet lợi thế rõ ràng trong quá trình phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Giải pháp được chính quyền Mỹ đề xuất, là tìm cách ngăn chặn Google yêu cầu các trang web phải cung cấp nội dung do người dùng tạo ra để sản phẩm AI của Google ứng dụng.

Chia tách


Còn trong khi đó, theo những nguồn tin giấu tên, ép Alphabet thoái vốn Android, biến nó thành một công ty kinh doanh độc lập cũng là một lựa chọn mà các nhà quản lý Mỹ cân nhắc. Hệ điều hành di động này hiện tại đang được khoảng 2.5 tỷ người trên toàn thế giới sử dụng.

Trong phán quyết của tòa án, thẩm phán Mehta chỉ ra rằng, Google yêu cầu các nhà sản xuất thiết bị chạy Android phải ký thỏa thuận cho phép Google tiếp cận dữ liệu cá nhân từ các ứng dụng như Gmail và Google Play Store. Những thỏa thuận kể trên còn yêu cầu các hãng smartphone phải cài sẵn widget tìm kiếm trực tuyến và trình duyệt Chrome, không thể xóa chúng đi. Theo thẩm phán Mehta, hành vi này về cơ bản đã ngăn cản những công cụ tìm kiếm khác cạnh tranh với Google.

Google-logo-Googleplex-headquarters-Mountain-View-California.webp

Quyết định của thẩm phán Mehta được đưa ra sau một phán quyết của bồi thẩm đoàn tòa án California hồi tháng 12 năm ngoái, kết luận rằng Alphabet đang độc quyền thị trường phân phối ứng dụng Android. Thẩm phán tòa án California thì chưa đưa ra phán quyết chính thức. Còn trong tuần này, ủy ban thương mại liên bang của Mỹ cũng đã đệ đơn khiếu nại rằng Google không được phép “thu lời từ việc độc quyền trái pháp luật.”

Phán quyết của thẩm phán Mehta còn cho biết, Google đã và đang độc quyền thị trường quảng cáo trực tuyến, những quảng cáo hiển thị ở đầu trang tìm kiếm của họ để lôi kéo người dùng click vào những trang web bỏ tiền mua quảng cáo AdWord. Những quảng cáo này được Alphabet bán thông qua mảng Google Ads, năm 2018 đổi tên thành AdWords. Khoảng ⅔ tổng doanh thu của Google đến từ quảng cáo trực tuyến trên kết quả tìm kiếm, tương đương hơn 100 tỷ USD trong năm 2020.

Nếu bộ tư pháp Mỹ không tìm cách ép Alphabet phải thoái vốn AdWords, các nhà quản lý có thể yêu cầu Alphabet phải tuân thủ những quy định vận hành chéo, để quảng cáo trực tuyến của Google hiển thị ổn trên những công cụ tìm kiếm trực tuyến khác.

Tiếp cận dữ liệu


Một giải pháp nữa được đưa ra, đó là yêu cầu Google thoái vốn sở hữu dữ liệu tìm kiếm trực tuyến, hoặc cho phép những bên khác như Bing của Microsoft hay DuckDuck Go tiếp cận và sử dụng, từ đó giúp những công cụ tìm kiếm trực tuyến cạnh tranh với Google có được điều kiện phát triển về mặt công nghệ và chất lượng.

Sở dĩ có giải pháp này, là vì trong phán quyết của thẩm phán Mehta, ông đưa ra số liệu rằng những thỏa thuận và hợp đồng của Google không chỉ đảm bảo họ được lấy hết dữ liệu tìm kiếm của hàng tỷ người dùng trên toàn thế giới (nhiều gấp 16 lần so với Bing), mà còn đảm bảo lượng dữ liệu này liên tục được ứng dụng để hoàn thiện công nghệ tìm kiếm trực tuyến, từ đó ngăn chặn các đối thủ cạnh tranh bắt kịp về mặt công nghệ.

ai-la-nguoi-sang-lap-ra-google-226.webp

Gần đây, liên minh châu Âu đã thông qua đạo luật với những điều khoản tương tự, yêu cầu Google phải cung cấp dữ liệu họ thu thập được cho những đơn vị cạnh tranh trên thị trường tìm kiếm trực tuyến. Alphabet thì khẳng định rằng chia sẻ dữ liệu sẽ dấy lên những lo ngại về quyền riêng tư, nên họ sẽ chỉ chia sẻ những thông tin và dữ liệu đối với những cụm từ tìm kiếm trực tuyến nhất định.

Yêu cầu những đơn vị độc quyền cho phép đối thủ cạnh tranh tiếp cận tài sản công nghệ đã được áp dụng trong những án lệ trước đó. Năm 1956, khi bộ tư pháp Mỹ kiện chống độc quyền tập đoàn AT&T, công ty viễn thông này đã phải cung cấp sở hữu trí tuệ miễn phí cho các đối thủ cạnh tranh.

Trong vụ kiện chống độc quyền với Microsoft, thỏa thuận dàn xếp bao gồm điều khoản yêu cầu tập đoàn này cung cấp miễn phí các API lập trình phần mềm cho các bên thứ ba. Những API này cho phép các ứng dụng phần mềm có thể tương tác và chia sẻ dữ liệu với nhau.

Sản phẩm AI


Trong nhiều năm, các trang web đã cho phép crawler của Google tiếp cận nội dung của các trang, để chúng được hiển thị trên trang kết quả tìm kiếm trực tuyến. Nhưng gần đây, bên cạnh lợi ích của các trang web, nội dung mà crawler lấy về còn được Google sử dụng để huấn luyện trí tuệ nhân tạo.

Mùa thu năm ngoái, Google đã tạo ra một công cụ cho phép các trang web chặn công cụ “cào” nội dung đem về huấn luyện AI của Google, sau khi các đơn vị lên tiếng phàn nàn về việc “dùng chùa” nội dung mà họ tạo ra. Nhưng khả năng chặn này không áp dụng với mọi trường hợp.

googles-ai-overview-th.jpg

Ví dụ dễ nhìn thấy nhất chính là AI Overviews, những tóm tắt do AI của Google tổng hợp, đọc hộ người dùng nội dung trang web có liên quan tới từ khóa tìm kiếm, được ra mắt hồi tháng 5 vừa rồi sau sự kiện Google I/O 2024. Để làm được điều này, đương nhiên Gemini vẫn phải vận hành song song với crawler đọc nội dung trang web. Google không cho phép các đơn vị xuất bản chặn AI Overviews vận hành thông qua trang wbe của họ, vì đó là một “tính năng” của tìm kiếm trực tuyến, không phải một sản phẩm độc lập.

Theo Bloomberg