Tại sao Apple quyết định hỗ trợ RCS trên iPhone?
Đó luôn là chiến lược “khu vườn đóng” của Apple trong hơn một thập kỷ qua: cố gắng tạo ra trải nghiệm phần mềm và dịch vụ đủ tốt để trói người dùng vào hệ sinh thái của mình. Và điều này đã mang lại hiệu quả khá tốt khi chỉ xét riêng tại thị trường Mỹ thì iPhone đã chiếm hơn 50% thị phần cũng như gần 9/10 thanh thiếu niên Mỹ, Apple rõ ràng không cần thay đổi chiến lược của mình.
Tuy nhiên xét đến thời điểm Apple chính thức đưa ra thông báo thì có thể cho rằng nguyên nhân đến từ sức ép của Uỷ ban Châu Âu với Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) vừa được ban hành vào năm ngoái. Và đây có vẻ là một quyết định chủ động đến từ Apple để có được sự lựa chọn tốt nhất cho mình.
Kể từ khi DMA chính thức được áp dụng thì Apple là một trong những công ty đầu tiên được xếp vào nhóm “gatekeeper”, phải chịu sự quản lý về các dịch vụ của mình. Ở đợt đầu này thì iMessage không được xếp vào nhóm dịch vụ cần được quản lý (core platform service), tuy nhiên điều đó không ngăn EU tiếp tục xem xét nó.
Apple có thời hạn chót là ngày 16 tháng 11 để nộp đơn khiếu nại về iMessage lên Uỷ ban Châu Âu, và đây cũng chính là ngày công ty công bố việc hỗ trợ RCS cho iPhone. Hoàn toàn không phải là một sự trùng hợp đúng không?
Hỗ trợ RCS là chiến lược nhằm ngăn chặn EU trực tiếp quyết định tương lai của iMessage, và quan trọng hơn đó còn là cách để Apple chặn ứng dụng này khỏi các đối thủ cạnh tranh trực tiếp như WhatsApp. Việc bị xếp vào nhóm “core plaform service” có nghĩa là iMessage sẽ phải mở ra để đảm bảo khả năng tương tác với WhatsApp cũng như các đối thủ cạnh tranh khác. Đây là là một đòn giáng mạnh vào hướng tiếp cận khu vườn đóng của Apple, và RCS có thể sẽ là lựa chọn ít thiệt hại hơn cho họ.
Google cũng đóng một vai trò không nhỏ trong sự việc này. Bỏ qua chiến dịch quảng cáo với hashtag #GetTheMessage diễn ra trong vòng 15 tháng qua mà Apple hoàn toàn ngó lơ, Google vào tuần trước cùng với CEO một số nhà mạng lớn ở Châu Âu đã gửi thư lên Uỷ ban Châu Âu để đề xuất đưa iMessage vào diện quản lý của DMA. Và có thể nói đây mới chính là bước đi “đủ lực” của Google. Mất hơn một năm trời để quảng bá RCS như là một tiêu chuẩn nhắn tin tốt, và giờ đây họ có thể tiếp tục chiến dịch marketing bằng việc nói rằng “nó tốt đến nỗi Apple cũng đã áp dụng” cũng như “qua năm sau điện thoại Android của bạn có thể nhắn tin tốt hơn với iPhone mà không cần phải làm gì”.
Thông báo của Apple đến từ những áp lực thực sự, không phải từ các công ty cùng ngành, không phải từ người tiêu dùng, mà là từ các quy định của cơ quan quản lý để thúc đẩy các tiêu chuẩn tốt hơn. Google không thực sự được ghi nhận công lao trong việc này, nhưng dù sao thì họ cũng nên ăn mừng.
→ Xem thêm:
- Chính thức: Apple sẽ hỗ trợ tiêu chuẩn nhắn tin RCS trên iPhone vào năm 2024
- Thử nghiệm với RCS trên Android: đã hỗ trợ rất rộng, chỉ là người ta không để ý đến nó mà thôi
- Google đề xuất EU áp dụng Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số cho iMessage
AndroidPolice