Trên tay Alienware Aurora R15 Gaming Desktop – Ngầu, đẹp, khó nâng cấp
Thiết kế ngoại hình của Alienware Aurora R15 mình không biết mô tả như thế nào, kết hợp giữa nhiều loại hình học, góc nghiêng với nhau. Nhìn trực diện từ mặt trước thì anh em thấy giống như 1 viên con nhộng phóng lớn, nhìn ngang hoặc chéo thì liên tưởng tới 1 loại trứng của quái vật ngoài hành tinh??? Riêng đối với Alienware, họ gọi đây là thiết kế Legend 2.0 với kiểu dáng lạ mắt, lấy cảm hứng từ khoa học viễn tưởng, ưu tiên hiệu năng, cải thiện nhiệt độ và giảm độ ồn lúc hoạt động. Legend 2.0 Design xuất hiện đầu tiên trên mẫu Alienware Aurora R13, ra mắt hồi cuối 2021, tiếp tục áp dụng cho sản phẩm này.
Kích thước thùng máy Alienware Aurora R15 là 529 x 225 x 510 mm, nặng gần 17 kg, chân đế là mặt phẳng tiếp xúc với mặt bàn/sàn. So với phương ngang và đứng thông thường của 1 thùng máy phổ thông thì Aurora R15 có độ nghiêng về sau cỡ hơn 7 độ. Chất liệu sử dụng cho phần khung là nhựa và thép, trong đó gần như toàn bộ phần bao phủ bên ngoài là nhựa. Hoàn thiện lớp nhựa này là bóng mờ, nó không xấu nhưng nhìn chung cho cảm giác không cao cấp tương xứng với thương hiệu Alienware.
Mặt trước Aurora R15 khá độc đáo và là điểm nhấn đầu tiên của sản phẩm. Logo Alienware có đèn đồng thời là nút nguồn chính, có 1 dải LED RGB điều chỉnh được bằng phần mềm trong Windows, cạnh bên là các cổng giao tiếp gồm 3 cổng USB Type-A, 1 cổng USB Type-C và 1 cổng âm thanh 3.5 mm. Mặt nạ của case là kính nhưng xung quanh hở để lấy gió cho quạt làm mát nằm ngay sau lưới tổ ong lớn.
Để tiếp cận linh kiện bên trong, anh em cần tháo 1 ốc ở phía sau thùng máy, sau đó dùng tay kéo hệ thống ngàm gài này để cửa hông bung ra. Dĩ nhiên các thùng máy đồng bộ của hãng thường sẽ thiết kế cách tháo lắp thú vị hơn thông thường, chẳng hạn như 1 ốc cố định thay vì 2, tháo lắp dễ hơn và chắc chắn hơn…
Nền tảng cho Aurora R15 là mainboard thiết kế riêng, kích thước không theo chuẩn nào cả (cỡ 11 x 9 inch). Khu vực VRM cấp nguồn cho CPU được trang bị khối tản nhiệt kim loại dạng răng lược đơn giản để làm mát. Mainboard sử dụng chipset Intel Z790, có 2 khe RAM DDR5, 2 khe M.2 SSD, 1 vị trí trống để gắn thêm HDD 3.5 inch. Số lượng khe cắm mở rộng là 3, trong đó 1 khe PCIe x16 có bọc kim loại cho card đồ họa, 2 khe PCIe x4.
Cấu hình của Alienware Aurora R15 mà mình trên tay gồm có vi xử lý Intel Core i9-13900F, bộ nhớ trong Samsung DDR5-4800 32 GB (16 GB x 2), lưu trữ Kioxia NVMe SSD 1 TB (KXG80ZNV1T02), đồ họa rời NVIDIA GeForce RTX 4070 Ti 12 GB GDDR6X. Mức giá mình tham khảo cho hệ thống này trên Amazon là cỡ gần 1800 USD.
Đảm nhiệm làm mát cho CPU là tản nhiệt nước AIO của Alienware, loại thông thường với ống cao su mềm không bọc lưới, 2 quạt làm mát đẩy gió đi lên xuyên qua radiator kích thước 240 mm rồi ra môi trường. Alienware Aurora R15 cũng có lựa chọn tản nhiệt AIO sử dụng công nghệ Cryo-Tech. Anh em đừng nhầm lẫn Cryo-Tech này với loại tản nhiệt xài sò nóng lạnh peltier do nó khác hoàn toàn. Alienware Cryo-Tech là lựa chọn tản nước AIO có radiator dày hơn 1 chút, quạt làm mát 5 cánh khác và thêm đèn RGB trang trí trên block CPU.
Các quạt làm mát sử dụng cho thùng máy do Delta Electronics cung cấp, model AFB1212EJ-01, công suất 18 W (12 V @ 1.5 A), độ ồn tương đối trong khi hoạt động. Đặc trưng của các quạt Delta là cứng cáp, bền bỉ, hiệu năng làm mát tốt bù lại độ ồn cao. Thiết kế khung quạt cho phép anh em có thể tháo gỡ dễ dàng bằng ngàm gài, không cần sử dụng ốc vít. Đây cũng là điểm chung mà cá nhân mình thích đối với các thùng máy đồng bộ, thường có thiết kế thông minh và tiện.
Card đồ họa rời cũng được cố định vô thùng máy bằng cơ chế gài, anh em kéo phần này ra, sau đó nhấn khóa gài khe PCIe rồi gỡ card là được, đơn giản lắm nhưng vẫn cố định chắc chắn.
NVIDIA GeForce RTX 4070 Ti sử dụng cho Aurora R15 có hệ thống tản nhiệt 3 quạt, ngoại hình đơn giản, 1 đầu cấp nguồn phụ 12VHPWR ở giữa thân, các cổng xuất tín hiệu hình ảnh tiêu chuẩn gồm 3 cổng DisplayPort và 1 HDMI. Card này có độ dày hơn 2 khe PCI, đuôi card có gắn thêm khung kim loại để gá vô giá đỡ bằng nhựa, trong khi ở khoảng giữa có thêm 1 trụ nâng nữa. Logo GeForce RTX ở hông card có đèn LED trắng lúc hoạt động.
Bộ nguồn trang bị cho Aurora R15 do Lite-On sản xuất, model L750EPS-00, công suất tối đa 750 W, có APFC full-range với điện áp đầu vào 100 – 240 V. Đầu ra chính của bộ nguồn này có 10 pin, tuy nhiên mình không nghĩ nó tương thích chuẩn ATX 12VO mà là chuẩn riêng của Alienware. Kích thước của bộ nguồn cũng “không giống ai” – 150 x 62 x 185 mm, do đó anh em không thể thay thế nguồn khác (ATX, SFX) được mà bắt buộc phải mua cùng loại nếu có sự cố. Có 3 đầu cấp nguồn PCIe cho card đồ họa, nối với cáp chuyển 12VHPWR để sử dụng cho card RTX 4070 Ti.
Phía sau thùng máy Alienware Aurora R15 có 2 cổng antenna cho card Wi-Fi 6E Intel Killer AX1675X gắn trong. Back I/O có các cổng âm thanh, 6 cổng USB Type-A, 1 USB Type-C 10 Gbps, 1 USB Type-C 20 Gbps, 1 RJ45. Mình không rõ nếu chọn phiên bản CPU có tích hợp đồ họa thì có thể xài được hay không (tức là nếu chọn CPU có iGPU thì liệu back I/O có thêm cổng HDMI hay DisplayPort chẳng hạn, phiên bản mainboard khác) do không có cổng xuất hình trên mainboard.
Khả năng nâng cấp của Alienware Aurora R15 theo mình đánh giá là khá hạn chế. Trừ CPU thì RAM chỉ có 2 khe, không gian lưu trữ cũng không có nhiều chỗ trống (1 khe M.2, 1 HDD 3.5 inch, 1 cổng SATA trống), card đồ họa giới hạn ở độ dày tối đa 3 khe PCI, độ dài bằng hoặc ngắn hơn so với card theo máy (hoặc phải gỡ bỏ khung nhựa đỡ card), PSU theo chuẩn riêng…
Nhìn chung Alienware Aurora R15 là 1 trong số các lựa chọn prebuilt gaming desktop hay máy tính chơi game dựng sẵn cho anh em có nhu cầu sở hữu hệ thống ngầu, đẹp, mạnh mẽ và có thương hiệu. Mức giá cho sản phẩm có thể cao hơn so với việc lựa chọn linh kiện tự ráp, bù lại anh em có máy với ngoại hình độc đáo, độ ổn định và độ bền cũng cao hơn. Ngược lại, khả năng nâng cấp của Aurora R15 sẽ bị giới hạn tương đối nhiều, còn máy tự ráp sẽ linh hoạt và thoải mái hơn nhiều.