Trên tay mainboard ASUS ROG Maximus Z790 Dark Hero
Maximus Series là dòng mainboard cao cấp với những lựa chọn khác nhau tùy nhu cầu, đối với Hero thì sẽ là mẫu thấp nhất trong dòng cao cấp này. Khác với phiên bản trước đó là Maximus Z790 Hero, Dark Hero có thiết kế tổng thể màu đen và cứng cáp hơn.
Điểm refresh đầu tiên mà ASUS áp dụng cho Maximus Z790 Dark Hero là tích hợp 5 khe cắm M.2 SSD lên trên mainboard. Trước đây, bản thân Maximus Z790 Hero chỉ chứa 3 khe M.2 SSD chuẩn PCIe 4.0 x 4, người dùng nếu muốn sử dụng PCIe 5.0 SSD hoặc mở rộng thêm 2 khe thì cần gắn card ROG Hyper M.2. Với bản Dark Hero, khe PCIe 5.0 SSD nằm ngay dưới tản nhiệt phía trên khe PCIe 5.0 x16 đầu tiên. Việc thay đổi này làm cho trải nghiệm sử dụng đơn giản hơn.
Cả 4 khe RAM DDR5 trên Dark Hero có khả năng hỗ trợ tổng dung lượng tối đa 192 GB, trong khi lúc cần tốc độ cao thì hỗ trợ tới DDR5-8000+. Xét về con số thì Dark Hero chạy được RAM DDR5 nhanh hơn 200 MT/s so với Hero cũ, nhưng thực tế sẽ còn tùy chất lượng kit RAM, khả năng tinh chỉnh và độ may mắn nữa.
Wi-Fi 7 được trang bị trên Maximus Z790 Dark Hero, thay thế cho Wi-Fi 6/6E của Maximus Z790 Hero. ASUS cũng tạo ra 1 tính năng mới giúp người dùng đơn giản hóa quá trình lắp đặt là Q-Antenna. Nếu như bình thường, anh em cần vặn tay để kết nối antenna rời với card Wi-Fi trên mainboard, giờ đây chỉ cần thao tác nhấn – kéo là có thể lắp – gỡ antenna, dễ dàng hơn rất nhiều.
ASUS ROG Maximus Z790 Dark Hero trang bị nút nguồn (Start), nút Retry và Flex Key. Riêng Flex Key có thể được tinh chỉnh để làm nhiều nhiệm vụ khác nhau tùy nhu cầu. Anh em có thể cho nó thành nút bật/tắt đèn Aura cũng được, khởi động vô SafeMode cũng xong mà truy cập BIOS/UEFI cũng tốt.
Q-Code và Q-LED là 2 thứ mà những ai thường xuyên phải thử nghiệm linh kiện máy tính hoặc ép xung sẽ rất thích. Cơ bản thì 2 tính năng này hiển thị các mã lỗi, cho biết quá trình khởi động đang ở bước nào, gặp vấn đề gì để từ đó tìm ra giải pháp.
Back I/O cũng có nút Clear CMOS để nhanh chóng giải quyết các tình trạng “kẹt” khởi động do thiết lập (thường là) ép xung. Còn BIOS Flashback thì cũng loại bỏ trường hợp phải đi mượn CPU thế hệ cũ để cập nhật BIOS trước khi nâng cấp thế hệ mới. Chức năng này cho phép anh em nâng lên BIOS mới mà không cần bất kỳ linh kiện nào khác ngoài mainboard và cấp nguồn 24 pin cũng như USB flash drive chứa file BIOS mới.
Đối với khe RAM thì cũng không phải mới lắm vì thiết kế Q-DIMM được sử dụng lâu rồi, anh em chắc quá quen với cách lắp đặt RAM chỉ với 1 đầu khóa, đầu còn lại khóa tự động. Không chỉ vậy, việc lắp đặt M.2 SSD nhanh hơn nhờ đầu khóa Q-Latch không cần ốc, còn kết nối dây front panel (nút nguồn, restart, đèn tín hiệu) cũng dễ dàng hơn với Q-Connector.
Dành cho những anh em thích ép xung thì ASUS trang bị tính năng ép xung bằng AI, tự động thử-sai để tìm ra điểm ngọt nhất về hiệu năng lẫn nhiệt độ. Hỗ trợ cho công việc này là thiết kế nguồn 20+1+2 pha điện, sử dụng thành phần linh kiện chất lượng cao. Nếu là dành cho những ai chơi ép xung dạng casual cho vui thì Maximus Z790 Dark Hero đã rất dư dả rồi, ngoài ra trên bảng xếp hạng quốc tế cũng có những mức điểm số rất cao sử dụng nền tảng là bo mạch chủ này.